Coi Chừng Trắng Tay Khi Mua Nhà Đất Không Sổ Đỏ Giá Rẻ
Hà Nội - Nhiều căn nhà trong ngõ không có sổ đỏ ở Hà Nội với mức giá rẻ, thậm chí thấp hơn gần nửa giá so với thị trường được tìm mua trong thời gian gần đây khiến môi giới cũng ngạc nhiên.
Nhiều người lùng mua nhà đất không sổ đỏ
Ông Hoàng Trường Sơn (58 tuổi) vừa mua căn nhà không sổ đỏ ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội với giá 3,5 tỉ đồng, diện tích 40m2, xây 5 tầng. Ông Sơn cho biết: "Thấy căn nhà không sổ bán với giá rẻ chỉ bằng hơn nửa thị trường, tôi bàn với gia đình bán căn nhà đang ở trong ngõ sâu để chuyển ra căn nhà ngoài mặt ngõ".
Về vị trí, căn nhà không sổ này có vị trí đẹp hơn, thuận tiện hơn căn nhà cũ của của ông, chưa kể khi bán căn nhà cũ có sổ với giá 6,5 tỉ đồng, rồi mua căn nhà này với giá 3,5 tỉ đồng ông Sơn đã dư ra 3 tỉ đồng để gửi ngân hàng dưỡng già.
Là người sống gần khu đất không giấy tờ ở Tứ Liên đã gần 20 năm, ông Sơn nhận thấy rằng nhiều người mua nhà không có sổ đã ở được một thời gian dài cũng chưa thấy xảy ra vấn đề gì. “Tôi đã kiểm tra quy hoạch, căn nhà không dính quy hoạch, mua bán qua hình thức lập vi bằng”, ông Sơn cho hay.
Giống như ông Sơn, anh Hoàng Văn Tuấn (42 tuổi) cũng mua căn nhà không sổ ở Đại Kim (Hoàng Mai) với giá 2,3 tỉ đồng, diện tích 32m2, được xây 3 tầng. "Cả dãy nhà tôi đang ở đều chưa có sổ. Nhiều nhà đã ở đây gần chục năm cũng chưa có vấn đề gì xảy ra. Do đó, sau khi tìm hiểu, tôi đã quyết định mua. Dù pháp lý không chuẩn chỉnh, tiềm ẩn rủi ro nhưng miễn có nhà ở Hà Nội là được", anh Tuấn chia sẻ.
Theo anh Đỗ Văn Vũ (chuyên gia môi giới nhà đất), từ đầu năm 2024, nhiều nhà đầu tư nhờ anh tìm mua giúp những khu nhà đất không sổ đỏ, không có tranh chấp hay vi phạm. Thông thường, những lô đất này có giá rẻ so với những khu đất khác nhưng việc mua bán sẽ thực hiện bằng giấy tờ viết tay.
Lý giải việc nhiều người tìm mua đất không sổ đỏ thời gian gần đây, một môi giới nhà thổ cư tại Hà Nội chia sẻ, nhiều người có nhu cầu ở thực nhưng tài chính thấp đã lựa chọn mua nhà chưa có sổ đỏ. Thậm chí, số ít nhà đầu tư ưa mạo hiểm cũng lựa chọn phân khúc này để đầu tư vì nếu có cơ hội làm sổ thì sẽ lãi đậm. Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sẽ giúp việc cấp sổ đỏ trở nên thuận lợi hơn. Chính vì vậy, nhà trong ngõ không sổ đỏ với giá rẻ có khả năng làm sổ đỏ cao vẫn là lựa chọn của một số người.
Mua đất không sổ cần lưu ý gì?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Xuân Toán - Công ty luật Tản Viên Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 138 Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi là “sổ đỏ”) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Theo đó, dự thảo đã mở rộng, cho phép cấp sổ đỏ cho trường hợp sử dụng đất trước ngày 1.7.2014, nay được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất.
Quy định này trên thực tế đang được áp dụng, chỉ mở rộng thời hạn từ trước ngày 1.7.2004 sang trước ngày 1.7.2014, tức là “nới” thêm 10 năm so với Luật Đất đai năm 2013. Lưu ý rằng Điều 138 là để xử lý việc cấp sổ cho các trường hợp không vi phạm pháp luật đất đai, không giao đất trái thẩm quyền, tức là bản chất ở đây không có hành vi sai phạm như là lấn chiếm đất.
Điều luật này chủ yếu giải quyết cho các trường hợp đất cha ông, tổ tiên để lại, đã được sử dụng lâu đời, tuy nhiên có thể do người dân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế hoặc do người dân chưa có nhu cầu chuyển nhượng đất nên không đi đăng ký để cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế sẽ không dễ dàng để hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Ví dụ như trường hợp người dân vẫn không nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước không có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, một số trường hợp trước đây được UBND cấp xã giao đất, thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, nên cũng gặp vướng mắc trong việc xin cấp sổ đỏ.
Hơn nữa, thủ tục xin UBND cấp xã xác nhận đất không có tranh chấp cũng phát sinh bất cập trong trường hợp có những tranh chấp dân sự giữa những người sử dụng đất (điển hình là trường hợp đất được chuyển giao qua nhiều người thông qua giấy viết tay hoặc trường hợp cha mẹ để lại thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất cho con cái nhưng giữa các con có mâu thuẫn, tranh chấp về quyền thừa kế…).
Liên quan đến việc mua bán bằng hợp đồng đặt cọc, chuyên gia cho hay, giao dịch đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất như trên là hợp pháp, không trái pháp luật, tuy nhiên các bên cần thỏa thuận rõ bằng văn bản, ký kết hợp đồng đặt cọc với các điều khoản chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên.
Các thông tin khách hàng cần quan tâm là thông tin về thửa đất chuyển nhượng; số tiền đặt cọc và hình thức chuyển tiền cọc; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hình thức, thời hạn thanh toán; nghĩa vụ tài chính khi thực hiện cấp sổ đỏ cho bên A và ai là người chịu nghĩa vụ này; thời hạn thực hiện hợp đồng; trách nhiệm của bên A, bên B nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ (số tiền phạt cọc); quyền và nghĩa vụ của các bên...
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên với các hợp đồng có giá trị lớn, các bên cần lựa chọn công chứng để bảo đảm quyền của mình, phòng ngừa trường hợp tranh chấp xảy ra. Việc giao nhận tiền đặt cọc cũng nên được thực hiện qua ngân hàng, có biên bản giao nhận.
Có thể bạn quan tâm: